Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

VỀ TƯ DUY PHÊ BÌNH CỦA TRẦN MẠNH HẢO

ĐÔNG LA
VỀ TƯ DUY PHÊ BÌNH CỦA
TRẦN MẠNH HẢO

Phải viết về Trần Mạnh Hảo là điều quá ngại ngùng đối với tôi, không phải vì học thuật mà vì nhiều lý do khác, nhưng trước những vấn đề quá hệ trọng đặt ra trong cuốn sách mới đây của tác giả, tôi vẫn buộc phải viết. Mục đích chính là muốn góp phần tìm ra những đúng sai về tri thức chứ không có ý tranh luận, vì việc đó là vô nghĩa. Bởi từng có một cuốn sách 570 trang (tôi cũng có ba bài với bút danh Đông La và Nguyễn Huy Sơn), mà nội dung chủ yếu là tranh luận về học thuật, tuy có nhiều thái độ gay gắt, nhưng cũng chỉ là hành động “đỡ đòn” đối với những thái độ của Trần Mạnh Hảo đã viết ra trước đó; vậy mà tác giả lại cho người biên soạn là TS Nguyễn Hữu Sơn có hành động xấu và phạm pháp: “Lấy việc xúc phạm cá nhân, bất chấp học thuật, quy kết vô bằng cứ làm tiêu chí … mà phần lớn nội dung nhắm vào việc thóa mạ chúng tôi”. Vậy viết thêm một bài chỉ để tranh luận với tác giả thôi thì viết làm gì?
Trần Mạnh Hảo quả là một hiện tượng đặc biệt, tầm bao quát của tác giả nếu Chế Lan Viên hoặc Xuân Diệu có hồi sinh cũng phải giật mình. Tôi cũng được chứng kiến rất nhiều người xuýt xoa khen anh. Hơn nữa, có tác giả nào lại được cả một trung tâm văn học lớn như tạp chí VNQĐ đứng ra bảo vệ với hình thức tập trung “trao đổi ý kiến”. Gần như anh là “niềm tin và hy vọng” của họ, những người có hoàn cảnh, quan niệm và tư duy sáng tác giống anh. Vương Trọng: “Ai nói gì thì nói chứ tôi thấy Trần Mạnh Hảo thực sự là một hiện tượng phê bình…Trần Mạnh Hảo là người đọc nhiều, biết nhiều”; Nguyễn Trí Huân: “Tôi thích cuốn của anh Hảo… văn phê bình của anh giàu chi tiết và hình tượng, có thể đọc một mạch”; Chu Lai: “Trần Mạnh Hảo đã chọn được một thế đứng chắc chắn, chính xác để phát ngôn tư tưởng”; Xuân Thiều: “Anh Hảo nói rất rành mạch, nói có sách, mách có chứng chứ không à uôm”; Khuất Quang Thụy: “Về mặt thi pháp anh Hảo là người có phong cách… Anh cũng là người đi tiên phong trong việc phê phán những cái sai tùy tiện trong sách giáo khoa… Hội nhà văn rất nên tự hào về một nhà văn của chúng ta”; Lê Lựu: “Anh là người trong nghề nên có cái tinh của người trong nghề… Những ý kiến của anh phần lớn là chính xác… Anh thực sự là một nghệ sĩ viết văn và viết phê bình”; Nguyễn Đức Mậu: “Một số người viết bài phê bình Trần Mạnh Hảo là thiếu kiến thức, thiếu văn hóa, học hành không đến nơi đến chốn… là không công bằng”;  Trần Đăng Khoa: “Trần Mạnh Hảo là một nhà phê bình sắc lẻm và đáo để… Sự xuất hiện của Trần Mạnh Hảo quả thật đã làm cân bằng môi trường sinh thái văn chương” v.v. … Tiếc là, tất cả các ý kiến trên đây chỉ là ý kiến cảm tính, không ai có một bài viết nào mang tính phân tích chứng minh. Có điều, muốn chứng minh được cần phải có tri thức, mà tri thức lại luôn bị sự đúng sai kiểm chứng, và nhiều khi nó chẳng bị chi phối bởi cái chuyện “thích hay không thích”ở trên đây tí nào.
Về cuốn sách “Văn học-phê bình, nhận diện” có phụ đề nhưng lại đúng hơn với tinh thần và nội dung của nó là: “HẦU CHUYỆN CÁC GIÁO SƯ”. Nó bao gồm loạt  bài mang tính phê phán “Hàng loạt sai lầm quá hệ trọng mang tính hệ thống” của các giáo sư soạn sách giáo khoa về văn học và văn hóa. Đây quả là một việc tối hệ trọng, bởi liên quan đến giáo dục, mà đúng như “Lời nói đầu” cuốn sách viết: “Giáo dục là một đại sự quốc gia quan hệ đến vận mệnh dân tộc”. Sách giáo khoa là những quy chuẩn, những mẫu mực của tri thức, có tính pháp lý, được biên soạn có tổ chức, có sự thẩm định xét duyệt của nhà nước, giúp thầy giảng dạy, trò kiến tạo nền tảng tri thức ban đầu, cần phải đặt tiêu chí chính xác lên hàng đầu. Tuy nhiên khó tránh khỏi khiếm khuyết. Bản thân khoa học cũng không bao giờ tuyệt đối đúng. Vì vậy, việc phê bình sai sót là tối cần thiết và cấp bách. Riêng tôi cũng nhận thấy, không chỉ cần phải sửa chữa sai sót trong sách giáo khoa mà còn phải đổi mới chương trình giảng dạy, sao cho các em học sinh, nhất là cấp III, luôn tiếp cận được cái mới, cái tinh túy của văn chương hiện đại, văn chương của ngày hôm nay. Được vậy, trình độ cảm thụ văn học nghệ thuật của xã hội mới được nâng cao, theo kịp sự phát triển của văn học, còn nếu chỉ dậy ở đại học thôi, thì chỉ một lượng người rất nhỏ tiếp cân được. Tất nhiên đây là việc rất khó, bởi hiện tại, chúng ta vẫn còn chưa thống nhất được với nhau thế nào là những cái hay, cái giá trị của những cái mới. Còn việc phê bình sách giáo khoa cũng cần phải hết sức cẩn trọng, buộc phải có một tri thức uyên thâm, sự  hiểu biết thấu đáo, một thái độ nghiêm túc, một lương tâm nghề nghiệp, nếu không, không chỉ danh dự một tầng lớp trí thức được xã hội kính trọng bị xúc phạm mà còn gây ra sự mất phương hướng trong công việc giảng dạy. Tiếc rằng, theo sự hiểu biết của tôi, cuốn sách mới của Trần Mạnh Hảo dù có những phê phán rất đúng, nhưng cũng như những cuốn sách trước, sau bao bàn luận tranh cãi, tác giả vẫn  giữ nguyên và có thêm những sai lạc khác nữa: từ  tri thức cơ bản (triết học, mỹ học, lý luận văn học) đến cách thức  phân tích diễn giải để phê phán.
         
NHỮNG NHẬN THỨC VỀ TRIẾT HỌC
Nói chung tư tưởng mà Trần Mạnh Hảo lấy làm nền tảng để viết phê bình lý luận là chủ nghĩa Mác-Lê nin. Nhưng có nhiều vấn đề chủ yếu, khi phân tích, tác giả đã không ngờ rằng mình lại có những quan điểm ngược lại.
Ngay từ cuốn Thơ phản thơ (Nxb Văn học, 1995), Trần Mạnh Hảo viết: “Thuyết âm dương của Dịch, thuyết vũ trụ đồng nhất đã đưa phương Đông tiến rất xa về thế giới quan so với phương Tây” (Thơ phản thơ, tr. 239). Trong bài viết về cụ Cao Xuân Huy tôi đã viết, thực chất, quan niệm về Âm Dương mới chỉ là tri thức ở mức cảm nhận trực quan thô sơ, chỉ là sự liệt kê các mặt đối lập của vạn vật, hiện tượng, không thể diễn tả và chứng minh được bằng thực nghiệm khoa học, không thể biết được cụ thể Âm Dương giao cảm thế nào? Biến hóa thành những cái gì? Nó mang tính tuần hoàn khép kín, nên không  giúp gì cho sự phát triển của thế giới quan nói chung, triết học và các ngành khoa học cụ thể khác nói riêng. Mà để làm được điều đó, chỉ có triết học Duy vật biện chứng và khoa học tự nhiên, xuất phát từ tư tưởng triết học của Đê-mô-crít (khoảng 460-370 trước CN) coi vạn vật được cấu tạo bằng nguyên tử. Trong thực tiễn lịch sử phát triển khoa học, khám phá cấu trúc nguyên tử chính là công việc cơ bản nhất, chính những thành tựu của nó đã thúc đẩy “thế giới quan tiến rất xa”, cũng như toàn bộ nền văn minh của loài người phát triển. Vậy nói như Trần Mạnh Hảo ở trên là ngược với thực tế cũng như quan điểm của chủ nghĩa Duy vật biện chứng .
Trần Mạnh Hảo viết: “Nguyễn Lộc chưa hiểu được nguyên tắc triết học nhất nguyên luận Đông phương. Ông lại dùng phương pháp triết học nhị nguyên luận phương Tây để lý giải chữ Tâm của Nguyễn Du nên mới đẩy Nguyễn Du rơi xuống vũng bùn của “tư tưởng duy tâm”. Quan niệm triết học phương Đông nghiêng về sự hài hòa, trung dung nên không có chữ Duy; nghĩa là không tách TÂM ra khỏi VẬT và ngược lại … Muốn nghiên cứu chữ TÂM của Nguyễn Du thì phải nắm được cái rốt ráo của triết học DỊCH và ĐẠO phương Đông, chứ không thể nói à uôm rồi xúc phạm Nguyễn Du như Nguyễn Lộc”… “Nguyễn Lộc thể hiện sự chưa trưởng thành trong nhận thức về chữ TÂM và cả chữ TÀI, chữ MỆNH” (Văn học-phê bình, nhận diện, tr. 73). Việc Nguyễn Lộc nói tư tưởng Nguyễn Du “duy tâm” là điều hiển nhiên, lẽ ra không nên bàn, chỉ không nên nói là “vũng bùn”thôi, vì Nguyễn Du chỉ là một nhà thơ chứ không phải là nhà cách mạng tư tưởng. Nhưng Trần Mạnh Hảo, khi phân tích để phê phán Nguyễn Lộc, đã không hiểu được những vấn đề cơ bản của triết học, nên đã hiểu sai những thuật ngữ và ý nghĩa của chúng. Phần trên đoạn văn, tác giả cho triết học phương Đông là “nhất nguyên”, đoạn sau lại cho là “trung dung nên không có chữ DUY”. Đây là một sự mâu thuẫn, bởi theo hệ thống thuật ngữ, đã “nhất nguyên” thì phải “DUY”. Trong lịch sử triết học chỉ có hai học thuyết sử dụng phạm trù  “bản nguyên”: Nhất nguyên luận (Duy vật hoặc duy tâm, coi VẬT hoặc TÂM là bản nguyên, là cái có trước, cái quyết định) và nhị nguyên luận, coi vật chất và tinh thần là hai bản nguyên như nhau, độc lập với nhau (triết học của Descartes và Kant). Còn triết học cổ phương Đông không phải “không có chữ DUY” mà cũng chia làm hai phái: Duy Tâm và Duy vật. Phái Duy tâm  đại diện là Khổng Tử, Mạnh Tử, và Chu Hy, người đã hệ thống hóa những tư tưởng đạo Khổng, coi , bản nguyên của tinh thần, là cái có trước, còn khí, bản nguyên vật chất, là cái có sau. Còn phái Duy vật đại diện là Lão tử, Trang tử, Tuân tử, coi Đạocái khởi nguyên của tất cả Trời, Đất, vạn vật, là “đường đi”, tức quy luật biến đổi của chúng (theo từ điển triết học và các sách chuyên ngành khác). Vậy hiểu như Trần Mạnh Hảo, triết học cổ phương Đông là: “trung dung”, rồi còn đồng nhất “trong âm có dương, trong dương có âm” với “trong tâm có vật, trong vật có tâm” là sai.
Trong triết học cổ phương Đông, chữ TÂM thường có ý nghĩa đạo đức luân lý chứ không có ý nghĩa bản nguyên tạo tác thế giới. Với Lão Tử, ngài không dùng chữ TÂM mà dùng chữ ĐỨC “cặp đôi” với chữ  ĐẠO, cho: Đạo là bản thể của vạn vật, còn Đức là bản tính của Đạo. Người ta nói triết học phương Đông duy tâm là xuất phát từ  quan niệm: có Trời, có Thiên mệnh, có ma quỷ, thần linh. Nên giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Nho giáo là học thuyết duy tâm khách quan” là đúng, và Trần Mạnh Hảo đã phê phán và cho :“Nhận thức luận của Khổng tử mang tính nhị trùng vừa duy tâm lại vừa duy vật, luôn giao dộng từ vật qua tâm và ngược lại…” (Văn học- phê bình, nhận diện, tr . 340) là sai. Với Khổng tử, không thể nói ngài “vừa duy tâm vừa duy vật” được, bởi ngài luôn tin có một Thượng đế khi viết: “Trời sinh đức ở nơi ta…”; rồi: “Mắc tội với Trời, còn cầu khấn gì được!”; ngài còn luôn tin có một mệnh trời : “Đạo có hành được hay không cũng là do thiên mệnh”. Trần Mạnh Hảo từ câu : “Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vận hành vạn vật sinh trưởng”… rồi cho : “Rõ ràng cái gốc Khổng tử là duy vật, có duy tâm chút đỉnh là cái ngọn “Thiên mệnh” mà thôi”! Đã bàn đến triết học là bàn những quy luật, đã là quy luật thì không có quy luật nào lại mang tính “chút đỉnh” cả! Câu vừa dẫn cũng không thể chứng tỏ được tư tưởng Khổng tử là Duy vật bởi vẫn có hiện diện ông “Trời” trong đó. Nó chỉ chứng tỏ quan niệm của Khổng tử về sự biến đổi của vạn vật cũng mang tính độc lập tương đối với Trời mà thôi.
 Thực tế sau này, “thuyết hội tụ” của các trào lưu triết học hiện đại phương Tây, cũng lấy quan điểm “hòa vật vào tâm” để khắc phục quan điểm “nhị nguyên luận” mà họ cho triết học trước ho (kể cả chủ nghĩa duy vật biện chứng) đã quan niệm. John Deway viết: “Hiện nay không còn căn cứ để phân chia một cách cứng nhắc thành những sự biến chủ quan và những sự biến khách quan nữa”. Quan niệm “Liên khách - chủ thể” của Hiện tượng luận Husserl cũng có quan niệm “nối vật vào tâm” tương tự như vậy. Việc đề cao cái nhìn vo viên “Tâm vào Vật” này không chỉ  không đúng với bản chất triết học cổ phương Đông mà còn là cách nhìn ngược với Duy vật biện chứng.
          Khi Lê Ngọc Trà viết: “Cái cao cả tồn tại khách quan, vốn là đặc tính của các sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ của nó đối với con người”, Trần Mạnh Hảo phê là: “duy vật chủ quan” (Văn học-phê bình, nhận diện ,tr. 274). Đây là một sự phê phán vô nghĩa vì trong triết học không có khái niệm Duy vật chủ quan”. Đơn giản chỉ vì chủ nghĩa Duy vật coi vật chất là bản nguyên khởi thủy sinh ra tất cả, cả vật chất lẫn tinh thần, thì làm sao còn có loại tinh thần “chủ quan” nào sinh ra nó nữa?! Khi Trần Mạnh Hảo viết: “Nếu con người không phổ ý thức chủ quan mình vào thế giới khách quan của trời cao, bể rộng, sông dài, núi lớn… thì không thể nào sinh ra cái đẹp cao cả được”. Nếu chỉ ở mức độ phản ánh tâm trạng con người, kết luận này có thể đúng, nhưng ở đây, Trần Mạnh Hảo đang bàn với Lê Ngọc Trà ở cấp độ triết học, thì điều này một lần nữa lại chứng tỏ, Trần Mạnh Hảo nói ngược với quan điểm của chủ nghĩa Duy vật biện chứng. Chủ nghĩa Duy vật cho vật chất quyết định ý thức và tồn tại khách quan - vẻ đẹp của tự nhiên là khách quan - không những không phụ thuộc vào ý thức con người “có phổ vào hay không” mà còn quyết định ý thức ấy. Viết vậy, tác giả đã nói theo quan điểm duy tâm, cụ thể là theo quan điểm của Hiện tượng luận .
          Trong cuốn Phê bình phản phê bình (tr 251), Trần Mạnh Hảo cũng sai khi viết: “Thực chất triết học phương Đông là nền Đạo học”. Mà đúng ra, nền Đạo học chỉ là một phần (có thể là quan trọng nhất của triết học duy vật) của triết học cổ phương Đông mà thôi.
Có thể những người không cần tri thức cơ bản cho sai lầm của Trần Mạnh Hảo trên đây chỉ là vụn vặt, nhưng với một nhà bác học, khi luôn phải biểu đạt tri thức bằng thuật ngữ và ký hiệu, thì chỉ một thuật ngữ, một công thức thôi, có khi chứa đựng tất cả. Tiếc là với một tri thức nền tảng như vậy, tác giả đã sử dụng để thẩm định và phê phán nhiều lĩnh vực khác nhau dưới đây.
Những năm vừa qua trên diễn đàn tranh luận, người ta hay chỉ trích nhau việc cắt xén  khi trích dẫn tác phẩm của nhau để phê phán. Tôi nghĩ, đã là trích dẫn tất phải cắt xén, có điều  quan trọng hơn cả việc trích dẫn là khi phê phán, người phê phán cần phải hiểu chính xác cái ý của người bị phê phán, phải hiểu đúng được cái “tinh thần” của vấn đề, chứ không phải chỉ từ nghĩa đen của những câu chữ. Bởi câu chữ chỉ là những ký hiệu, khả năng biểu đạt của chúng rất hạn chế, nhoè mờ và chỉ tương đối. Nhiều khi chỉ để hiểu chính xác vài con chữ thôi vẫn cần phải giải mã bằng cả một nền tảng tri thức cơ bản rất sâu rộng. Trần Mạnh Hảo dù đọc rất nhiều, Đông Tây kim cổ đủ cả, nhưng dường như tác giả đọc với tinh thần  không phải để học mà để di dạy thiên hạ, nên tác giả đã có nhiều sự phê phán không đúng với tri thức cơ bản, mang tính áp đặt chủ quan, không đúng với tinh thần người viết. Nhiều vấn đề người viết một đằng tác giả lại phê phán môt nẻo.

VỀ MỸ HỌC
Khi bàn về một cuốn sách mỹ học của ba tác giả: Lê Ngọc Trà, Huỳnh Như Phương, Lâm Vinh biên soạn, Trần Mạnh Hảo đã tuyệt đối hóa ý nghĩa những cách thức biểu đạt chỉ có nghĩa tương đối nên đã phê phán những người soạn sách là “tùy tiện, trắng đen bất phân minh, mâu thuẫn, lộn xộn” (Văn học-phê bình, nhận diện, tr. 259). Khi Huỳnh Như Phương viết: “Không phải ai khác mà chính những nghệ sỹ tài năng là thầy dậy cho công chúng biết thế nào là giá trị thẩm mỹ”; rồi sau đó: “Một con người bình thường vẫn có thể có ý thức thẩm mỹ tốt dựa trên kinh nghiệm sống của người ấy”, Trần Mạnh Hảo đã phê là: “thiếu nhất quán”, là “bỗng quay ngoắt một trăm tám mươi độ”. Nếu chỉ hiểu trên lớp vỏ của ngữ nghĩa, có thể cho Huỳnh Như Phương là mâu thuẫn, nhưng nếu đối chiếu với thực tế, thì hai đoạn văn vừa dẫn lại không có gì mâu thuẫn cả. Rõ ràng ai cũng thấy, có những vấn đề nghệ thuật cao siêu, cần phải có sự giảng giải công chúng mới hiểu biết, chính vì thế mới sinh ra cái nghề phê bình. Còn ở cấp độ nào đó, với một trình độ nhất định, với bản năng, người bình thường vẫn có thể có ý thức thẩm mỹ. Có ai lại không thấy vẻ đẹp của một bông hoa, hoặc không thích một bản nhạc hay nổi tiếng. Với Lê Ngọc Trà cũng vậy, khi ông viết ý: những cái cân đối  thường tạo ra vẻ đẹp, nhưng cũng có những cái cân đối lại không vậy. Trần Mạnh Hảo không hiểu nghĩa của những phó từ “thường” hoặc “cũng có” nên đã bắt bẻ Lê Ngọc Trà: “viết ngược lại điều mình vừa nói một cách đến kinh ngạc”. Trong thực tế, ý trên của Lê Ngọc Trà là hiển nhiên không cần bàn, sự cân đối không chỉ thường tạo ra cái đẹp mà còn là nguyên lý tạo dựng hình thể của tất cả các sinh vật sống. Nhưng vẫn có điều ngược lại, nhất là trong lĩnh vực tạo hình hiện đại, người nghệ sĩ  còn phải tạo ra những vẻ đẹp bằng cách phá vỡ hình ảnh cân đối của tự nhiên. Riêng tôi nhận thấy, trong một tổng thể, để tạo ra vẻ đẹp, thường phải có sự chuyển dịch qua lại giữa sự cân đối và bất cân đối; nếu tất cả đều cân đối sẽ tạo ra một sự nhàm chán, đơn điệu, còn tất cả bất cân đối sẽ tạo ra sự lộn xộn.
Cũng vì không hiểu được đúng ý của Lê Ngọc Trà, nhất là ngôn ngữ của tri thức, Trần Mạnh Hảo cũng cho ông là mâu thuẫn, khi ông viết rằng: cái bi hài không phải là những phạm trù thẩm mỹ có tính phổ biến mà chủ yếu là phạm trù thẩm mỹ của nghệ thuật, rồi lại nói: chúng vượt ra ngoài khuôn khổ của nghệ thuật, thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần chung của con người. Ở ý trên, Lê Ngọc Trà nói cái bi hài với tư cách là đối tượng của lý luận sáng tạo, nghĩa là cái bi hài, nếu được một tài năng sử dụng, có thể tạo ra được giá trị trong mọi tác phẩm, nhưng trong thực tế, không phải chỗ nào, lĩnh vực nào cũng có thể sử dụng được. Còn ý dưới, ông nói cái bi hài là đối tượng của sự thưởng thức giá trị nghệ thuật,  ý nghĩa xã hội của chúng.
Trần Mạnh Hảo  phê phán rất nặng Huỳnh Như Phương là đã đưa ra “tuyên ngôn duy my”, là duy tâm”, là đưa ra “một thứ mỹ học phi vật chất”, đã “khai tử môn mỹ học”, khi Huỳnh Như Phương cho rằng: Quan hệ thẩm mỹ (Cách nhìn, cách đánh giá) chỉ đặt nền tảng trên cơ sở  những cái đẹp của sự sáng tạo chứ không dựa trên cơ sở của sự thỏa mãn những động cơ kinh tế, sự mưu cầu  lợi ích về chính trị, hay chiều theo những quy luật đạo đức. Nó thanh lọc con người, tách khỏi những mối ràng buộc vật chất, thiết lập sợi dây tinh thần với thế giới. Thực ra nói như trên, Huỳnh Như Phương chỉ nêu ra sự  khác biệt và tính độc lập giữa giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật và các giá trị thông tục khác như tiền tài, địa vị hoặc đạo đức. Một nghệ sĩ sáng tạo được những tác phẩm có giá trị dù nghèo đến mấy vẫn là một nghệ sĩ tài năng, môt người dù giàu đến mấy mà bất tài thì dù có bỏ bao tiền ra mua cũng không thể có tài được. Hoặc, một tác phẩm có giá trị chưa chắc bán được nhiều tiền. Viết vậy, Huỳnh Như Phương cũng không nêu mối quan hệ sinh thành tạo tác với tư cách triết học giữa đối tượng này đối với đối tượng kia, nên cũng không có duy tâm hay duy vật gì ở đây. Tương tự, khi Huỳnh Như Phương nói bản chất quan hệ thẩm mỹ khác với bản chất quan hệ đạo đức là ở chỗ, một đằng xét các giá trị trên cơ sở sáng tạo nghệ thuật còn một đằng trên những quy chuẩn đời thường. Như một câu chuyện viết về cái ác nếu hay sẽ đạt được giá trị văn học, còn trong đời sống, cái ác bao giờ cũng vẫn là cái ác. Nên Trần Mạnh Hảo kết luận Huỳnh Như Phương đã tách MỸ ra khỏi CHÂN THIỆN là không đúng với tinh thần người viết.

VỀ LÝ LUẬN VĂN HỌC
Về phần này, Trần Mạnh Hảo chủ yếu bàn về thơ. Từ quan niệm nền triết học cổ phương Đông với cách nhìn trọng tổng hợp cho “vũ trụ đồng nhất” là tiến bộ hơn, cho thơ phương Đông “không hề tách “Thực” ra  khỏi “Ảo”, không phân chia trường phái… là hay hơn, là không bị giới hạn; coi sự đổi mới thơ ca dừng lại: “Không còn gì có thể được gọi là mới nữa”. Còn phương Tây, với một so sánh khập khễnh: “Văn minh phương Tây đã bay hết hai ngày rưỡi để đến mặt trăng, mà người phương Đông, cụ thể là thi hào Lý Bạch đã đi tìm mặt trăng bằng phương pháp thủy thần từ năm 762”?! (Thơ phản thơ, tr. 238), tác giả đã cho thành tựu khoa học vĩ đại này của nhân loại chỉ là việc “sa mạc hóa những giấc mơ”, là một hành động thể hiện sự giới hạn của tư duy thơ ca phương Tây: “Nền thi ca phương Tây… là nền thi ca của thế giới nhị nguyên… Nền thi ca logic, thi ca phân tích… hầu như đã chấp nhận cái chiều hiện hữu của không gian và thời gian, cùng tôn giáo đã chắp cánh cho khoa học đi vào vũ trụ” (tr 239, sđd).
Đây là quan niệm ngược với quan điểm Duy vật biện chứng, nếu Trần Mạnh Hảo thực chất hiểu và lấy làm nền tảng, sẽ không đề cao cách nhìn “vo viên” trên. Chủ nghĩa Duy vật biện chứng coi mọi vật, mọi quá trình luôn vận động biến đổi. Cách nhìn của Duy vật biện chứng là cách  nhìn phân tích, và chỉ có như vậy mới có thể thâm nhập được vào bản chất mọi vấn đề, mới có thể khám phá ra những cấu trúc bên trong, nhận thấy các mặt đối lập, tìm hiểu rõ những mối liên hệ, sự tác động qua lại, sự va đập, cọ sát của chúng,… rồi chính như  vậy mới phát minh ra được những quy luật của sự phát triển.
 Thực tế lịch sử phát triển thơ ca cũng như mọi lĩnh vực khoa học, văn hóa của hai nửa thế giới có sự khác biệt là do chúng chịu sự  tác động của hai nền sản xuất khác nhau: nông nghiệp và công nghiệp. Lao động nông nghiệp là lao động giản đơn, làm theo hình mẫu của tự nhiên; còn  lao động công nghiệp là lao động phức tạp, không làm theo hình mẫu của tự nhiên mà theo hình mẫu được tạo dựng từ tư duy. Chính vì vậy văn hóa phương Đông xưa trọng cái nhìn tổng hợp (thực chất là sự hạn chế của cái nhìn mới ở cấp độ trực quan, cảm tính), còn văn hóa phương Tây trọng cái nhìn phân tích (thực chất là khả năng thâm nhập vào bản chất, khả năng khám phá). Chính vậy, thơ ca phương Đông giữ nguyên phương thức sáng tác y như nền sản xuất nông nghiệp từ ngàn xưa vẫn giữ nguyên phương thức sản xuất, có phát triển chăng nữa cũng chỉ là sự hoàn thiện những kỹ xảo, như người ta thâm canh trong công việc gieo cấy. Còn thơ ca phương Tây đi sâu nghiên cứu khả năng biểu đạt của ngôn ngữ, nghiên cứu tâm lý con người và mối quan hệ của nó với thực tại, để đưa ra những hình thức biểu đạt khác nhau, cũng như người ta đã sinh ra vô vàn phương thức sản xuất công nghiệp vậy. Tất nhiên đó là những nét chung, còn đi vào cụ thể, do chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Duy tâm chủ quan, lý luận văn học phương Tây cũng có những phần cách tân cực đoan, xa rời thực tại…Thời hiện đại là thời của giao lưu, nền sản xuất công nghiệp của phương Đông cũng đã phát triển, nền khoa học kỹ thuật cũng vậy, không chỉ Đông Tây mà tất cả vùng miền, những quốc gia, những gì tốt đẹp đều được học hỏi. Những bản sắc riêng về tinh thần được kết tinh qua truyền thống, qua tập tục, qua những đặc trưng của không gian địa lý… sẽ được lưu giữ. Còn tất cả những gì mang tính kỹ thuật, không chỉ khoa học kỹ thuật, mà cả trong văn học nghệ thuật, như: hội họa, âm nhạc, phim ảnh,… kể cả kỹ thuật làm thơ, thực tế, nền văn minh phương Tây đã tác động nhiều đến phương Đông. Đó là điều hiển nhiên không cần phải chứng minh, không thể nói ngược lại.
          Cũng giống như  việc bàn về cơ sở triết lý của văn chương, khi bàn về lý luận văn học, nhiều quan niệm của Trần Mạnh Hảo cũng cần phải được bàn bạc. Tác giả đã coi  tất cả các chủ nghĩa văn học phương Tây như: “trò chơi phi thân, trò chơi leo cột mỡ, hay trồng cây chuối” (247, Thơ phản thơ), cho tất cả đã bị vất ra nghĩa địa hoang phế. Tôi nghĩ, một người nghiên cứu văn học có một tư duy khoa học thực thụ, không ai lại có cái phương pháp xổ toẹt như vậy. Người ta thường phải nghiên cứu kỹ, từ cơ sở lý luận, tính phù hợp, những giá trị tích cực hoặc tiêu cực, khả năng tồn tại, sự tác động đến sự phát triển… Tất nhiên để làm được điều này phải có khả năng trí tuệ rất cao, còn chỉ hiểu láng máng, rồi lại mang ra bàn đủ thứ tất sẽ sai lầm và làm rối tung mọi chuyện. Hơn nữa, trong thời đại hội nhập, mở cửa, giao lưu văn hóa, liệu sống tại một nước có nền văn hóa tiên tiến, chúng ta có thể tùy tiện phán xét, phỉ báng, những trào lưu văn học của dân tộc khác đã đi vào lịch sử văn học thế giới, những tên tuổi sáng tạo ra chúng đã thành bất tử, được người ta đặt tên đường, những bản thảo của họ đã trở thành vật báu? Và trên thực tế, nhiều chủ nghĩa văn học nghệ thuật ấy tuy không còn tồn tại, nhưng vẫn luôn ảnh hưởng sâu đậm và rộng rãi đến nền văn học nghệ thuật hôm nay.
          Đi vào cụ thể, dù đã viết không phải một lần về thơ siêu thực, đã nói rải rác đây đó hơi nhiều về nó, nhưng tôi vẫn thấy cần phải viết kỹ thêm một lần nữa. Vì hiểu biết lẫn lộn về tính siêu thực trong thơ ca nên Trần Mạnh Hảo đã có những mâu thuẫn, khi thì chê bai phỉ báng, khi  lại coi nó như là một tiêu chuẩn cao siêu để đánh giá: “Thi ca phương Đông, những bài hay nhất đã rất siêu thực vì nó đạt được cái tận cùng của hiện thực” (Thơ phản thơ, tr. 247). Cũng trong cuốn “Thơ phản thơ”, Trần Mạnh Hảo đã viết lặp đi lặp lại những quan niệm sai cơ bản: “Thơ muốn siêu, trước hết nó phải thực đã, đi tới tận cùng của cái thực, thơ sẽ đạt được cái siêu. Từ một con chim bay đến cái phi cơ hoặc tàu vũ trụ con thoi kia cũng phải tuân thủ quy luật đó, huống hồ thi ca” (tr. 11); khi phủ nhận  tập thơ  “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều  được giải của Hội Nhà Văn: “Muốn siêu thực mà lại không biết cách tôn trọng cái logic của sự thực”(tr. 67); rồi khi  dạy  cho một tác giả là học viên trường viết văn Nguyễn Du: “Đồng nghĩa cái phi logic và siêu thực trong thơ, không chỉ ông… mà còn nhiều vị viết trẻ hiện nay cũng lầm lẫn như thế… Ở đây, tôi xin nói điều cốt lõi để giúp cho ông… thêm kiến thức mà thăng tiến trong quá trình học tập để trở thành một người cầm bút nghiêm chỉnh và đúng nghĩa nhất của nó. Rằng phi logic là cái không hợp lý, không hợp với tiến trình tiến hóa của tự nhiên của tư duy và của con người. Còn chủ nghĩa siêu thực… chính là cái hiện thực được đốt cháy và thăng hoa. Bởi vì trong siêu vẫn phải có chữ thực thứ. Ví như con diều muốn bay lên trời phải học phép buộc mình vào mặt đất (tr. 87-88). Thực ra không phải thế, trong nghệ thuật, hiện thựcsiêu thực là hai quan niệm về phản ánh khác nhau. Hiện thực là hình ảnh cuộc sống được phản ánh bằng ý thức, còn siêu thực (như đã viết phần đầu), bằng vô thức, trực giác.  Nên thơ siêu thực là thơ của “tự động tâm linh”, của “giấc mơ vạn năng”, và vì thế người ta mới cho định luật ngẫu nhiên là định luật bao trùm mọi định luật và câu thơ của Lautréamond mới như là một “kim chỉ nam”: “Đẹp như một cuộc gặp gỡ tình cờ của một cái máy may với một cây dù trên bàn mổ”. Như vậy, đặc tính chính của thơ siêu thực chính là sự  không tôn trọng logic của sự thực, chứ không phải như Trần Mạnh Hảo định nghĩa một cách “đầy cảm xúc sáng tạo” và không có chút nội hàm gì là: “Chủ nghĩa siêu thực… chính  là cái hiện thực được đốt cháy và thăng hoa”! Nếu siêu thực là hiện thực được thăng hoa tuyệt diệu thế, sao anh lại luôn phỉ báng vậy? Khi có người phê bình, tác giả đã biện bác không có lý : “Cần phải tiếp nhận câu Muốn siêu thực thơ phải đi tới tận cùng tới đầu mút của hiện thực cái đã trên tinh thần trường cửu của thi ca phương Đông, chứ không phải trên sự nhận thức giai đoạn của chủ nghĩa siêu thực phương Tây” (tr. 247, Sách đd). Thứ nhất, về mặt thuật ngữ, chỉ có  siêu thực phương Tây chứ không có siêu thực phương Đông, cũng như làm sao có ấn tượng phương Đông, đa đa phương Đông, biểu hiện phương Đông, lập thể phương Đông … được. Nếu có, chỉ có sự áp dụng, sự ảnh hưởng. Dường như còn rất nhiều người lầm lẫn, thường coi siêu thực là cái hư ảo. Trần Mạnh Hảo cũng vậy, khi tác giả trích những câu thơ của Lý Bạch: “Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân”, hoặc của Thôi Hiệu : “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/ Bạch vân thiên tái không du du”, và cho chúng có tính siêu thực gắn liền với tính hiện thực. Đúng ra, cái bóng trăng mà Lý Bạch coi như một bạn rượu, áng mây trắng mà Thôi Hiệu thấy từ ngàn năm vẫn còn bay không phải là những hình ảnh  siêu thực mà chỉ là hình ảnh của những ảo giác, ảo mộng, chúng là ảnh ảo nhưng vẫn tuân theo lô-gic của hiện thực, trăng vẫn là trăng, mây bay vẫn là  mây bay. Còn  hình ảnh thơ của chủ nghĩa Siêu thực hoàn toàn khác, chúng cũng là hình ảnh của giấc mơ  nhưng là giấc mơ của vô thức, chúng kết hợp một cách ngẫu nhiên  không được ý thức, lý trí kiểm soát, nên  không có tương ứng trong thực tại. Có thể lấy câu thơ của Breton, nhà lý luận, người viết tuyên ngôn cho chủ nghĩa Siêu thực làm ví dụ: “Trên cầu, giọt sương có đầu mèo đưa đẩy như ru”. Trong thực tế, không thể có hạt sương có đầu mèo được. Xin được dẫn một câu thơ của tôi cũng có thể là một câu thơ siêu thực: “Những móng tay của nắng để lại những vết xước hình mắt lưới/ Trên da thịt đất”, thực tế nắng cũng không bao giờ có móng tay được. Tất nhiên, không nên đồng nhất siêu thực với cao siêu, bởi cũng như mọi hình thức, siêu thực có cái cao siêu và cũng có cái lăng nhăng.
Khi bàn về thơ tượng trưng, Trần Mạnh Hảo cũng chưa phân biệt được các khái niệm, thuật ngữ. Trang 164-165 (Thơ phản thơ), tác giả viết: “Ngay cả khi lên đến đỉnh cao nhất của mình, thơ mới vẫn còn mang ít nhiều dấu vết, thậm chí cái hồn vía của nền thơ ấn tượng Pháp”; trang 186: “Như các nhà thơ tiền chiến bị ảnh hưởng thơ ấn tượng Pháp”. Tôi biết tác giả muốn nói đến thơ tượng trưng. Vì  điều các nhà thơ tiền chiến chịu ảnh hưởng thơ tượng trưng thì từ thời Hoài Thanh đến nay ai cũng công nhận, không phải bàn cãi nữa. Nhưng anh lại không phân biệt được ấn tượng với tượng trưng. Thực ra, trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh cũng có nhắc đến phương pháp phê bình ấn tượng. Nhưng ấn tượngtượng trưng không phải là khái niệm đồng nhất. Chúng là hai trào lưu văn học, nghệ thuật khác nhau. Dù rằng các chủ nghĩa trong nghệ thuật không hoàn toàn tách bạch, nhưng những nét đặc trưng của chúng phải khác nhau. Có vậy người ta mới chia ra. Chủ nghĩa Ấn tượng phát triển mạnh bên hội họa, nói một cách sơ lược thì người họa sĩ không vẽ chi tiết  hình ảnh sự vật mà chỉ vẽ những ấn tượng nắm bắt được thôi, những ấn tượng này phụ thuộc rất nhiều vào ánh sáng, nên ánh sáng là một yếu tố quan trọng trong hội họa ấn tượng. Trong văn học, điểm chung nhất của phong cách chủ nghĩa Ấn tượng cũng gạt bỏ những hình thức có sẵn, chỉ mô tả đối tượng trong những nét tách biệt mà nghệ sĩ nắm bắt được qua những ấn tượng chốc lát. Còn chủ nghĩa Tượng trưng với những đại diện: Verlaine, Rimbaud và Mallarmé… đã khá quen thuộc; nhưng hiểu cho rành rẽ thế nào là thơ tượng trưng với nhiều người cũng không phải dễ. Khi bàn về thơ RimbaudVerlaine Trần Mạnh Hảo cho là : “thi pháp đầy chất phi lý, phi logic…tâm thần, tận thế, thấu thị, đồng bóng, cuồng loạn, dị thường, ma xó, lạc thú”. (trang 122, Văn học-phê bình, nhận diện). Thực tế, chỉ khi cực đoan, phần nào thơ tượng trưng mới như vậy, còn nói chung, thi pháp tượng trưng cũng có những khả năng biểu đạt độc đáo, cần phải hiểu rõ và đánh giá đúng. Thơ tượng trưng là thơ  mà qua đó ta có thể nhận ra tính cách biểu trưng nghệ thuật cho các “vật tự nó”; các ý tưởng trong thơ chủ yếu được biểu đạt thông qua các biểu tượng bằng sự gợi mở, ám thị, nên thơ tượng trưng là thơ của sự lãnh đạm và kín đáo chứ không giãi bầy, bộc bạch, thổ lộ như thơ lãng mạn. Hoài Thanh, rồi sau này Trần Đình Sử, với con mắt của một nhà lý luận, đã có những đánh giá rất tinh và chính xác, cho thơ Tượng trưng của phương Tây có những nét tương đồng với thơ cổ phương Đông. Một bên: “Từng bước gọi ra một vật thể, và như thế  phơi bầy một tình cảm” (Mallarmé), thì một bên là: “tức cảnh sinh tình”… Vậy, phỉ báng như  Trần Mạnh Hảo liệu  có đúng chăng?
Trong một câu của Lê Ngọc Trà: “Văn học trước hết không phản ánh hiện thực mà là nghiền ngẫm về hiện thực”. Bằng phương pháp mà ai đó đã nhận xét rất đúng “phê chữ chứ không phê ý”, Trần Mạnh Hảo lại phê phán sai Lê Ngọc Trà rất nặng, cho ông đã phủ nhận vai trò phản ánh trong văn học, phủ nhận phản ánh luận Mác-xít. Chỉ tại Trần Mạnh Hảo không hiểu rằng, phản ánh luận biện chứng cho rằng: “nghiền ngẫm về hiện thực” mới chính là phản ánh đích thực. Viết như trên, Lê Ngọc Trà muốn phân biệt và nhấn mạnh tầm quan trọng của phản ánh biện chứng so với phản ánh của duy vật cũ, coi phản ánh chỉ như sự “chụp ảnh” một cách bị động. Từ “trước hết” trong câu trên cũng có ý nhấn mạnh  sự “nghiền ngẫm” chứ đâu có nghĩa là phủ nhận sự phản ánh. Tri thức là mênh mông nên người viết thường phải nói tắt, tức viết cho những đối tượng đã có những trình độ nhất định. Nếu Lê Ngọc Trà  thêm một cái mở ngoặc vào sau đoạn “Văn học trước hết không phản ánh hiện thực…” (theo kiểu duy vật cũ), sẽ đỡ bị phê phán chăng? Nhưng cứ vừa viết vừa chua như thế thì nhùng nhằng quá… Như vậy, Lê Ngọc Trà đã áp dụng đúng đắn chủ nghĩa Duy vật biện chứng vào lý luận văn học, sao lại phê phán ?
         
          VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC
         
          Khi Huỳnh Như Phương và Nguyễn Đăng Mạnh đánh giá thơ Mới 1932-1945 là “phát huy bản ngã đối lập với tính phi ngã của văn học phong kiến”, Trần Mạnh Hảo đã viết một bài dài. Khi công bố trên báo và in vào cuốn “ Phê bình phản phê bình”, đã có những bài viết công phu và khoa học phân tích việc tác giả phê phán kiểu “duy danh định nghĩa”, “không phê ý mà phê chữ”, nên đã phản bác không đúng ý người viết. Nếu một người thực sự vì tính khoa học của vấn đề và thực sự trọng thị sẽ phải thay đổi. Nhưng Trần Mạnh Hảo dường như không hiểu hoặc bất chấp, nên đã không chỉ in lại vào cuốn sách mới  bài này mà còn viết thêm một bài nữa. Tôi buộc phải phân tích thêm đôi điều. Do Trần Mạnh Hảo có cách hiểu sai từ gốc rễ tư tưởng, nên dù có trích dẫn bao nhiêu, phân tích bao nhiêu vẫn không đúng ý. Ví dụ, tác giả cho quan niệm Thiên-Địa-Nhân hợp nhất là đề cao bản ngã, là nâng con người lên ngang hàng với Trời Đất. Thực ra quan niệm này là quan niệm triết học về sự sinh thành của vạn vật, cho tất cả đều xuất phát từ một Bản thể đầu tiên, không có ý nghĩa nâng cái tôi của con người lên mà đồng nhất con người với vạn vật cây cỏ. Lão Tử nói: “Trời Đất là bất nhân, xem vạn vật như chó, cỏ”. Tác giả cũng không đúng khi cho khái niệm Tiểu Ngã của nhà Phật là việc đề cao cái tôi cá nhân, thực ra Tiểu ngã không phải là khái niệm chỉ một thế giới của cái tôi có tính cách riêng của con người, mà coi con người là một thế giới thu nhỏ, là một bộ phận, một “chi tiết” ăn thông và hoà đồng với vũ trụ, với Đại ngã. Vì thế, Lão Tử khuyên con người sống nên nương theo quy luật của tự nhiên, còn Phật giáo khuyên con người gạt bỏ mọi tạp niệm dục vọng. Xã hội phong kiến cũng cho sự khiêm nhường, sự giấu mình là mặt tốt cơ bản của đạo đức. Cũng nên hiểu ý nghĩa tương đối của nhận định: “văn học phong kiến có tính phi ngã” là chỉ ra một đặc trưng, có tính bao trùm, nhưng không có nghĩa là nó không có tính chất nào khác nữa, kể cả tính hữu ngã. Cũng nên hiểu “tính phi ngã” là tính đối lập với “phát huy bản ngã” chứ không phải không có bóng dáng của chủ thể sáng tạo. Cái tôi ở đây là cái tôi tự tại, tự tôn, không chỉ là sự bộc lộ bản năng nhân tính mà còn là sự đấu tranh cho cá nhân, vì quyền dân chủ và bình đẳng. Nói văn chương phong kiến có tính phi ngã là vì còn thiếu những tính chất mà xã hội nước ta, chỉ  từ thời “thơ Mới” đến nay mới có.
          Cũng vì tuyệt đối hóa ý nghĩa câu văn có ý tương đối, Trần Mạnh Hảo đã phê phán rất nặng Nguyễn Lộc đã sai lầm, đã “vô tình hạ giá trị thẩm mỹ vô song”,  “xúc phạm cả tới Nguyễn Du”, khi ông cho Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiềukhông bằng tưởng tượng hư cấu”, mà thực ra, ý của Nguyễn Lộc cho Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều không tưởng tượng hư cấu chỉ về mặt cốt truyện. Còn cứ quyết cho kết luận như vậy nghĩa là nói Nguyễn Du không tưởng tượng hư cấu cả những câu thơ nữa, thì làm gì có Truyện Kiều để hôm nay tranh luận với nhau?!
          Về câu thơ “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Lộc viết với ý hoa nở từ năm ngoái đã khô đi còn vương lại. Trần Mạnh Hảo cũng phê phán kịch liệt là ông đã hiểu sai thơ Nguyễn Khuyến, cho Nguyễn Khuyến “vịnh hoa khô” như vậy thì “còn gì là vẻ đẹp mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến nữa”. Theo Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Khuyến đúng ra đã “nhắc lại ý của câu thơ Sầm Tham “Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa”…và cũng nhắc lại ý của câu thơ Thôi Hộ: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”” (tr. 18, Văn học-phê bình, nhận diện) . Tôi không hiểu sao tác giả muốn bênh vực Nguyễn Khuyến, muốn tôn vinh ông lại bằng cách cho ông sao chép  ý thơ người khác. Trong lịch sử văn chương, sự phóng tác, dùng điển tích, chuyển dịch ý…là một thực tế, nhưng về phương diện sáng tạo, phải coi đó là mặt hạn chế của cha ông chứ không nên đề cao, không phải là điều chúng ta cần phải phát huy hôm nay. Thực chất câu thơ của Nguyễn Khuyến chỉ “có vẻ” giống hai câu thơ Đường trên thôi, nhưng đi vào chi tiết thì khác. Hai câu thơ  Đường  là  hai câu có ý nghĩa cụ thể : “Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa” là nói rõ “ hoa thời cũ lại nở” và “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” cũng vậy:“Hoa đào lại cười với gió đông như cũ”. Ngược lại, câu thơ của Nguyễn Khuyến “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” là câu không cụ thể, nên dù ý tác giả thế nào, độc giả vẫn có quyền hiểu  từ sự khơi gợi của văn bản. Vì vậy, hiểu theo Trần Mạnh Hảo: “hoa cũ lại nở” cũng được, mà theo Nguyễn Lộc: “hoa nở từ năm ngoái khô đi còn lại” cũng được. Nhưng hiểu theo Nguyễn Lộc sẽ hay hơn, là tôn vinh Nguyễn Khuyến hơn, vì không cho nhà thơ sao chép ý thơ người trước. Ý thơ như vậy cũng phù hợp hơn, bởi Nguyễn Khuyến không phải vịnh hoa khô mà vịnh mùa thu, không phải một mùa thu vui tươi hoa nở rực rỡ mà là một mùa thu buồn, mùa thu của “trúc lơ phơ”, của “gió hắt hiu”, mùa thu để mặc bóng trăng ra vào song cửa... Trong cái khung cảnh ấy, hình ảnh dấu vết chùm hoa nở từ năm trước khô đi còn vương lại sẽ tương hợp hơn so với  ý chùm hoa mới nở tươi hơn hớn. Còn ý Trần Mạnh Hảo cho sau một năm mưa dập gió dồn làm gì có loại hoa nào còn lại được cũng phải xem lại. Có thể chúng không còn nguyên vẹn, chứ sau một năm làm sao xóa sạch mọi dấu tích được, mà hoa trong thơ cũng chỉ hoa tượng trưng, đâu biết loại hoa nào, ở quê ai chẳng thấy những giàn mướp, những giậu mùng tơi khô quắt, còn lại rất lâu theo thời gian.
          Trần Mạnh Hảo cũng phê phán giáo sư  Hoàng Như Mai đã sai lầm khi ông cho bài “Tràng giang”của Huy Cận là ảnh hưởng  thơ tượng trưng của Rimbaud và Verlaine. Riêng tôi, khi đọc xong bài phê phán, đã không ngờ rằng giáo sư lão thành Hoàng Như Mai lại có phương pháp phê bình tiên tiến thế, tức là ông đã phê bình bằng con mắt của thi pháp, hơn hẳn phương pháp phê bình của Trần Mạnh Hảo, vốn luôn coi một cách “vo viên” là, thơ chỉ có hai loại hay và dở, mọi phương thức thể hiện là vô nghĩa. Phương pháp phê bình của Trần Mạnh Hảo cũng như thói quen phê bình của nhiều người từ trước tới nay thường nghiêng về phía “cảm xúc sáng tạo”, thực chất chỉ là việc nhặt ra những câu thơ hay, ý hay, rồi bình, rồi tán. Phương pháp này có thể làm người này người nọ thích, nhưng thực chất lại rất ít giá trị trong việc phân tích khám phá bản chất của sự sáng tạo, định danh được sự sáng tạo. Mà chỉ với sự phân tích khám phá như vậy, nhà phê bình mới định giá chính xác được tác phẩm, tác phẩm phê bình sẽ có ý nghĩa hơn đối với sự phát triển của văn học. Nhiều giải thưởng văn học được lựa chọn không từ sự thẩm định khoa học như vậy, đã gây ra tranh cãi, và những ban giám khảo cũng không tài nào bảo vệ được. Thực chất Trần Mạnh Hảo chưa hiểu thi pháp thơ tượng trưng nên mới phê phán Hoàng Như Mai như vậy. Thi pháp tượng trưng, khi sử dụng những biểu tượng để biểu đạt, đã coi mọi tính chất của vật thể có sự tương giao, nên có thể  dùng cái này để chỉ cái kia, tính chất cái này thể hiện cho cái kia. Vậy, Hoàng Như Mai nói “cách dùng từ của Huy Cận trong bài Tràng Giang” ảnh hưởng thơ tượng trưng là rất đúng. Như “buồn điệp điệp”: chữ điệp thường chỉ dùng để tả sự lặp lại kiểu “núi non trùng diệp” hay “điệp khúc”, tức là có ý nghĩa về số lượng, nhưng Huy Cận  lại dùng làm trạng từ chỉ tâm trạng. Cách dùng “Sâu chót vót”, “Nước song song” cũng có sự biến đổi tương tự như vậy. Cũng nên hiểu rõ, Hoàng Như Mai chỉ nói Huy Cận ảnh hưởng thơ tượng trưng ở “cách dùng từ”, để tăng “khả năng khêu gợi” thôi.
          Còn nhiều vấn đề khác có thể bàn luận, nhưng khuôn khổ một bài viết không thể thực hiện được, tôi chỉ bàn sâu những điều thuộc tri thức cơ bản, bởi cho rằng, muốn việc phê bình có khả năng “chỉ lối đưa đường”, khác với kiểu phê bình tếu táo hoặc rùm beng quảng cáo, thì phải có một nền tảng vững chắc mới làm được. Tiếc là sự cao vọng của Trần Mạnh Hảo lại được xây trên một cái nền không chắc chắn, nên một việc làm, cần phải thận trọng nhất, chính xác nhất, là phê phán sách giáo khoa, cũng lại có quá nhiều sai sót không thể chấp nhận. Khi tranh luận ai cũng phải tự tin vào mình, nhưng với Trần Mạnh Hảo, do sự chủ quan quá đáng, coi suy nghĩ của mình là tuyệt đối đúng, nên sự phê phán đã không còn mang tính khoa học nữa, mà có quá nhiều thái độ quá khích, khi cho: PGS Nguyễn Lộc: “bịa ra”, “xuyên tạc văn bản”; GS Hoàng Như Mai: “áp đặt tùy tiện”; PGS TS Lê Ngọc Trà: “ấu trĩ”, “sai trái quá ư hệ trọng”; TS Huỳnh Như Phương: “suy diễn bạt mạng”; PGS TS Trần Hữu Tá: “hết sức ấm ớ”… Ai cũng biết sách giáo khoa là soạn chứ có ai nói sáng tác sách giáo khoa bao giờ đâu, mà soạn tất phải có thu thập lắp ghép. Theo tôi đó là việc làm có trách nhiệm, bởi sách giáo khoa là hệ trọng, cần phải lấy tinh hoa của nhiều người hợp lại, không nên chủ quan giảng riêng theo ý mình, vậy mà Trần Mạnh Hảo cho việc đó là việc “đạo văn”, là một hành động ăn cắp “trắng trợn”. Người viết bài này cũng từng có thái độ gay gắt, từng mắng Trần Đăng Khoa là “xấc láo” khi Khoa gọi Nguyễn Du, người được liệt vào hàng tiên tổ về nghề thơ, là “ông ấy”. Nhưng tự thấy cũng chỉ nên tỏ thái độ trước những thái độ.
          Điều cuối tôi muốn nói, Trần Mạnh Hảo không nên phê phán mang tính quy kết kiểu: “phủ nhận cha ông”, rồi: “phủ nhận văn học cách mạng” đối với những nhận xét những mặt còn hạn chế của văn học cổ, văn học kháng chiến. Đúng sai có thể bàn. Tiếc là nhiều chỗ tác giả đã  phê phán không vì sự đúng sai mà phê phán chỉ vì muốn phê phán, đến nỗi  xảy ra trường hợp, vì muốn chứng tỏ tinh thần bảo vệ văn học cách mạng, tác giả đã phê phán luôn ý kiến: “Do chiến tranh kéo dài, do nhận thức của văn nghệ sĩ cũng như của lãnh đạo còn hạn chế nên văn học cũng còn nhiều mặt yếu…” mà không biết rằng, người biên soạn đã trích từ Văn kiện của Đảng và Nhà nước bàn về văn hóa (Nxb Sự thật, H, 1970, tr. 82)!      

Bình Thạnh
Tết năm 2000